Thứ Năm, 29 tháng 12, 2016

Bài trí bàn thờ theo phong thủy

Bàn thờ là nơi thể hiện lòng thành kính của con cháu đối với tổ tiên, nên bàn thờ trong nhà ở gia đình truyền thống thường được lập ở chính giữa gian giữa của ngôi nhà – là vị trí trang trọng nhất.Tuy nhiên, với những căn nhà có kiến trúc hiện đại, nhà lô phố hiện nay thì cách bố trí bàn thờ và các đồ thờ cũng có nhiều thay đổi để phù hợp hơn với cấu trúc và diện tích của ngôi nhà nhưng vẫn giữ được sự tôn nghiêm nơi thờ cúng.
*Vị trí lập phòng thờ – tủ thờ
Trong giải pháp thiết kế kiến trúc dành cho những căn nhà phố hiện nay, kiến trúc sư thường bố trí bàn thờ đặt trong một phòng riêng, tầng trên cùng của ngôi nhà (tầng trên cùng thường là tầng thượng – tầng tum gồm: phòng thờ, phòng giặt + sân phơi). Vị trí này không chỉ mang đến sự trang nghiêm, kín đáo, tĩnh lặng… mà còn thuận tiện cho việc cúng ngoài trời, hóa vàng mã trên sân thượng…
Đối với các căn hộ chung cư, do bị hạn chế về diện tích sử dụng nên việc bố trí một phòng riêng lập bàn thờ là điều rất khó. Chính vì lẽ đó nên khi phân chia lại các không gian trong căn hộ chung cư, kiến trúc sư thường sắp xếp không gian thờ cúng nằm trong các không gian sinh hoạt chung, không gian sảnh – tiền phòng hay các phòng chức năng phù hợp khác.
Thư viện, phòng khách, phòng sinh hoạt chung trang trọng là những nơi có thể phù hợp để có thể đặt bàn thờ. Tuyệt đối không nên đặt bàn thờ ở những phòng sinh hoạt chung ồn ào như phòng karaoke, phòng thể thao… Cũng không nên đặt bàn thờ trong phòng ngủ vì không gian trang trọng và khói nhang sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người trong phòng; thêm nữa không gian thờ mang tính âm nên không phù hợp.
Ngoài ra, trong căn hộ chung cư, bạn cũng có thể bố trí góc thờ, bàn thờ trong khoảng giữa các mặt bằng căn hộ, trong khoảng đi lại ở khoảng giữa nhà và không thuộc hẳn một phòng nào, đảm bảo sự thông thoáng, không bị quẩn khói khi thắp nhang.
Dù là nhà ở truyền thống hay hiện đại, bàn thờ cũng luôn phải đảm bảo được đặt tại vị trí cao, phía trên bàn thờ là nóc nhà và bầu trời, không bị các không gian sinh hoạt khác đè lên… để khi cúng bái, con cháu trong nhà tỏ được sự ngưỡng vọng thành kính của mình với ông bà tổ tiên.
*Thiết kế tủ thờ – bàn thờ phù hợp
Trong phòng thờ, hệ thống tủ – bàn thờ phải có quy mô và hình thức tương xứng để tạo nên sự trang nghiêm cho không gian đặc biệt này.Kích thước tủ thờ không nên quá to gây cảm giác hoành tráng nhưng cũng không nên “lọt thỏm”, nhỏ bé trong phòng. Nếu bàn thờ được đặt tại các không gian khác như phòng sinh hoạt chung, phòng khách… thì tủ thờ cần được thiết kế phù hợp về tỉ lệ với kích thước phòng và tương quan với các đồ nội thất khác.
Ở những không gian này, tủ, bàn thờ nên được thiết kế đơn giản, tránh cầu kỳ lạc lõng hay gây cảm giác nặng nề e sợ. Bàn thờ phải tạo được sự tôn nghiêm nhưng vẫn phải mang lại cảm giác gần gũi với các thành viên trong gia đình và các sinh hoạt chung khác.Vật liệu và màu sắc của tủ – bàn thờ cúng cũng phải phù hợp, nên sử dụng các màu trầm, tổt nhất là màu gỗ nâu sậm. Các chi tiết kiến trúc – nội thất (lát sàn, trần, chiếu sáng…), các vật dụng, đồ thờ (bát nhang, đèn nến, lọ hoa…) nên bày theo lối cân đối.Ở các căn hộ chung cư, trong trường hợp tủ thờ để ở phòng chức năng nào đó hay không gian chung, thì có thể dùng hình thức tủ thờ kết hợp với tủ trang trí, tủ ngăn phòng, tủ bày đồ lưu niệm…
>>>Một số điều cần lưu ý trong phong thủy phòng thờ 
Khi thiết kế hay bài trí, sắp đặt cho không gian thờ cúng bạn phải lưu ý tránh đặt bàn thờ gần luồng hút gió mạnh, gây “động” và có thể thổi tàn lửa nhang ra chỗ khác gây cháy. Mặt bàn thờ nên đặt một tấm kính để đảm bảo an toàn tránh lửa bén. Tuyệt đối không được đặt bàn thờ bên dưới phòng vệ sinh, phòng trẻ em chơi đùa… làm giảm tính tôn nghiêm.
Không gian đặt bàn thờ phải đủ thông thoáng. Không nên đặt bàn thờ cao quá gây khó khăn cho việc thờ cúng, cũng không nên đặt thấp quá thiếu trang nghiêm. Trong các trường hợp bàn thờ treo hay tủ thờ cao, phải đảm bảo khoảng cách tới trần không quá gần, tránh quẩn khói và gây ám vàng trần. Để khắc phục trường hợp này, bạn có thể gắn một tấm kính phía trên trần.
Ánh sáng trong phòng thờ và trên bàn thờ không nên sử dụng ánh sáng trắng mà nên sử dụng ánh sáng vàng, có cảm giác ấm cúng; nguồn sáng gián tiếp, tránh gây chói. Bạn có thể dùng đèn hắt tường, những bóng đèn nhót, đèn thờ… Bố trí chiếu sáng nên đăng đối theo 2 bên bàn thờ; kiểu dáng, chất liệu của đèn cũng cần phù hợp với tủ thờ và không gian chung, tránh quá màu mè, lòe loẹt…


Thứ Tư, 28 tháng 12, 2016

Bài trí phòng làm việc theo phong thủy

Việc đặt phòng làm việc đúng phương vị tốt lành sẽ giúp bạn thêm thao lược, trí tuệ, ảnh hưởng đến sự phát triển, thành bại trong sự nghiệp.
Vị trí phòng làm việc đặt ở vị trí đắc địa ( trung tâm) là tốt nhất.Nếu là nơi kinh doanh, bàn làm việc của người chủ phải đặt ở tầng một hoặc tầng hầm. Ngoài ra, khi bố trí bàn làm việc như vậy, cần chú ý tới một số yếu tố.
Bàn làm việc không được kê đối thẳng với cửa ra vào để tránh không bị những tạp âm bên ngoài quấy nhiễu và người ngoài nhòm ngó. Làm như vậy để ngăn “sát khí” rất không lợi cho người ngồi điều hành.
Sau lưng người ngồi phải có “chỗ dựa” như bức tường. Khoảng cách giữa lưng người ngồi với tường không được quá lớn. Phong thuỷ học cho rằng, làm như vậy sẽ tăng thêm tính tự tin cho người ngồi làm việc, tránh không có cảm giác trống trải.
Trong trường hợp gian phòng làm việc có cửa sổ, thì cửa sổ không được đối diện với những biểu tượng không lành theo quan điểm của phong thủy, như ống khói, cột điện… Tốt nhất là nhìn qua cửa sổ thấy khoảng rộng bao la, vườn cây xanh tốt, cảnh núi non xanh biếc… Bên ngoài cửa sổ không nên có đường đi qua.
Cửa ra vào ở góc bên phải phía trước bàn sẽ không bị tạp âm quấy nhiễu và không bị người ngoài nhìn ngó bất thường. Cửa ra vào mở ở phía bên trái bàn làm việc có thể thay đổi vị trí một chút, hiệu quả vẫn tốt.
Kỵ bày đặt bàn viết đối diện với cửa và khi ngồi làm việc quay lưng ra cửa. Phong thủy cho rằng, cửa là khí khẩu vừa nạp sinh khí mà đồng thời cũng nạp sát khí. Ngồi quay lưng ra cửa thì sau lưng không có “chỗ dựa”, thường xuyên thấy cột sống bị ớn lạnh vì sát khí.
Cả tạp âm từ ngoài truyền vào sẽ kích thích sống lưng làm cho đại não không yên. Người làm việc ở vị trí này luôn ở trạng thái căng thẳng, tâm trí sẽ rối loạn, dễ mắc sai lầm khi ra quyết định.
Đặt bàn viết nên ở bên phải cửa ra vào, bàn làm việc với cửa ra vào hơi chếch với nhau và xa ra một khoảng cách. Nếu gần cửa ra vào quá, sẽ bị sát khí quấy nhiễu, sẽ giảm hiệu suất lãnh đạo, không những thế, phong thuỷ cho rằng sẽ gây bệnh.
Kỵ sau chỗ ngồi có cửa sổ. Nếu kê bàn làm việc theo lối này, người ngồi sẽ ngăn đường đi của gió và ánh sáng, theo cách nói của phong thuỷ là chặn lại sự lưu thông của khí, biến sinh khí thành sát khí, người ngồi làm việc ở tư thế này, trước sau cũng bị suy vi.
Kỵ gần cửa sổ có đường đi qua. Cửa sổ cũng là nơi nạp sinh khí và sát khí. Nếu gần đường qua lại, thường nạp vào phòng tiếng bước chân người đi, tiếng cười, tiếng nói, tiếng ta thán… chúng đều là sát khí theo cách nói của phong thủy, rất bất lợi cho việc điều hành và sự nghiệp của người làm việc tại đó.
Nếu vì một lý do nào đó phải kê bàn làm việc ở đây, phải có rèm che kín. Nhưng tốt nhất là dời phòng làm việc đi nơi khác.
Không kê bàn làm việc ở giữa phòng, vì sau lưng quá xa tường nhà, không có “chỗ dựa”, người lãnh đạo trước sau sẽ bị cô lập.
Và cuối cùng là áp dụng công thức “Nhất vị, nhị hướng”: Thứ nhất là Vị. Vị là vị trí ngồi làm việc, phải được một trong bốn phương vị tốt theo mệnh cung của người chủ (vị trí ngồi làm việc tốt được tính so với trung tâm phòng làm việc). Thứ nhì là hướng. Khi ngồi làm việc thì mặt của người chủ phải nhìn về một trong bốn hướng tốt theo mệnh cung của mình.
Phong thủy học cho rằng, người ngồi làm việc phải được tiếp nhận sinh khí tốt thì mới minh mẫn trong điều hành công việc. Để có điều đó, trên bàn làm việc nên đặt quả cầu phong thủy bằng thạch anh sẽ tăng thêm lòng hăng say công việc và sự minh mẫn cho Gia chủ.


Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2016

Bài trí phòng tập thể dục theo phong thủy

Nơi lý tưởng nhất để đặt phòng tập thể dục tại nhà là 1 căn phòng yên tĩnh không bị phiền nhiễu bởi tiếng ồn hay các sinh hoạt khác. Đồng thời, phòng phải có ánh sáng tự nhiên và không khí. Từ đó, phòng sẽ có sinh khí, rất tốt cho người tập.
Phòng tập thể dục tại nhà phải được đầu tư xứng đáng với trang thiết bị đầy đủ. Nó phải tạo ra cảm giác sảng khoái sau mỗi buổi tập bằng cách tối đa hóa sự hài hòa và cân bằng giữa thể chất và tinh thần.
 1.Vị trí :
Nguyên lý “Tọa hung hướng cát” này không chỉ dùng cho bếp, phòng ngủ... mà còn đắc dụng khi xếp đặt chỗ tập thể dục. Tọa hung là để lại phía sau (dựa lưng vào) các thành phần xấu như nhà vệ sinh, kho...
Hướng cát là mở ra những không gian tốt như minh đường trước nhà, cây xanh hồ nước... cũng như các hướng tốt nhằm đón nhận sinh khí. Vì thế nên tạo khoảng nhìn thoáng đãng hay cửa sổ rộng, trông ra được các cảnh quan đẹp để dưỡng thần và thư giãn hiệu quả. Nếu tầm nhìn bị xấu hoặc bị công trình lân cận che lấp, cần trồng thêm cây xanh để tăng cường dưỡng khí và tạo tiền cảnh lân cận.
Tuy nhiên đừng biến chỗ tập thể dục thành vườn cảnh vì trường khí hai chỗ này tĩnh động khác nhau, đồng thời chỗ tập thể dục cần thật phẳng và thoáng, không vướng víu chậu kiểng hoặc lồi lõm rễ cây.
Nếu bạn không có phòng tập riêng, hướng cát tường để đặt nơi tập thể dục theo thời điểm trong một ngày là Đông và Nam cho buổi sáng, Tây và Bắc cho buổi chiều tối, tương ứng với vận động của mặt trời, nắng, gió...
Ban công hay giếng trời cũng nên tận dụng, miễn là đủ khoảng rộng để thoải mái thao tác lúc tập thể dục.

2. Không gian  :
Không nên xếp đặt nơi tập thể dục quá trống trải hoặc quá khép kín. Trống trải thì dễ tán khí, ngược lại khép kín làm cho hãm khí, đều không tốt.
Buổi sớm, khi từ không gian tĩnh-nội của phòng ngủ chuyển sang không gian động-ngoại của nơi tập thể dục, nếu không có vùng chuyển tiếp sẽ dễ gây ra biến đổi đột ngột, có hại cho sức khỏe. Do vậy, nếu không có phòng tập riêng, chỗ tập thể dục nên có mái che một phần hoặc toàn phần, vào mùa mưa vẫn có thể tập luyện bình thường.
Có thể lát nền bằng vật liệu đồng nhất và bền chắc (đá, gạch, sỏi...) tránh dùng các vật liệu thiếu ổn định hoặc trơn trượt. Phòng vệ sinh nhỏ nên bố trí bên cạnh chỗ tập cho tiện sử dụng sau khi tập.

3.Màu sắc cũng là nhân tố quan trọng tạo ra sinh khí cho phòng tập.
Nếu nhà bạn có phòng tập riêng, cần lưu ý tới màu sắc, đây là nhân tố quan trọng tạo ra sinh khí cho phòng tập. Sử dụng màu sắc thích hợp có thể tăng cường trường khí và cải thiện tâm trạng. Các màu cần lưu ý:
-Đỏ: Màu này có vẻ phù hợp với phòng ngủ hơn là phòng tập. Nhưng đây cũng là 1 lựa chọn tốt vì nó đại diện cho năng lượng mặt trời. 
Tuy nhiên, đừng sử dụng màu đỏ quá nhiều, nếu không sẽ tạo cảm giác bồn chồn. Đủ độ đỏ có thể khiến bạn phấn chấn và thích hoạt động. Hãy tạo điểm nhấn ở phía Nam, Tây Nam và Đông Bắc phòng tập bằng 1 mảng đỏ thật đậm.
-Cam: màu này là 1 sự lựa chọn linh hoạt hơn nếu bạn cho rằng màu đỏ quá chói. Nó thường được dùng ở những nơi sinh hoạt của ngôi nhà như phòng ăn hoặc nơi vui chơi của cả gia đình. Nó tạo ra những suy nghĩ tích cực và thúc đẩy tinh thần thêm tươi sáng, do đó cam là màu hoàn hảo để truyền sự lạc quan đến cho phòng tập.
-Vàng: màu vàng là 1 lựa chọn tốt vì tính chất thúc đẩy tự nhiên của nó. Tuy nhiên, tránh màu vàng đậm. Hãy tô điểm cho căn phòng 1 chút vàng nhẹ. Điều này không chỉ giúp không gian tươi sáng, làm phòng trông rộng hơn, mà nó còn tạo ra cảm giác đón chào, mời gọi, khiến mọi người sử dụng phòng thường xuyên hơn.
-Xanh lá cây: Một chút xanh là sự bổ sung tuyệt vời cho không gian tập luyện. Đặt ở đây những cây trồng tươi tốt, biểu tượng của thiên nhiên, giúp tạo ra năng lượng tươi mới và tràn đầy sức mạnh.
-Xanh là màu khỏe khoắn và điềm tĩnh, có tính chất nuôi dưỡng lớn. Khi được dùng với những màu có sắc thái năng lượng lớn sẽ giúp tạo ra sự cân bằng cho phòng tập.


Thứ Tư, 21 tháng 12, 2016

Bài trí phòng đọc sách theo phong thủy

Sắp xếp phòng đọc sách, ngoài việc đòi hỏi phong thủy phải tốt,  còn đòi hỏi phải sạch sẽ yên tĩnh, khiến người ta có thể chăm chú học tập, không bị phân tâm để có thể đăng khoa thành đạt. Bạn cần chú ý thêm những điều sau:

1.Cửa sổ phòng đọc sách:
Cửa sổ của phòng đọc sách không nên đối thẳng vào bàn học bởi vì bàn học nhìn ra khoảng không,  là rất không nên. Bàn học đối thẳng với cửa sổ, con người nhìn cảnh vật bên ngoài cửa sổ dễ bị phân tán tư tưởng. Sau nữa, phải chú ý không để ánh nắng mặt trời phía tây chiếu vào cửa sổ vì ánh nắng mặt trời phía tây rất mạnh làm cho người sử dụng cảm thấy bất an, khó chịu.

2. Màu sắc của phòng đọc
Màu sắc của phòng đọc, việc pha trộn màu sắc tường vách hoặc tường giấy của phòng đọc nên lấy màu xanh lục nhạt là chính.
Chủ yếu là ngũ hành sao văn xương (có 1 số người gọi là sao văn khúc) thuộc mộc vì thế nên dùng màu sắc mộc nghĩa là mầu xanh lục thì tốt bởi vì như thế sẽ phù vượng sao văn xương.
Thực tế màu xanh lục có tác dụng bảo vệ thị lực của mắt rất thích hợp cho mắt khi đọc sách không mỏi mệt vì màu xanh có chức năng dưỡng mắt.
Ngoài màu xanh nhạt ra, phòng đọc sách dùng màu lam cũng rất thích hợp vì lam nhạt là màu sắc của thủy, mà thủy có thể sinh mộc, cho nên phòng đọc sách dùng màu lam nhạt cũng sẽ sinh vượng đối với sao văn xương.
Màu sắc của phòng đọc phải kiêng màu thâm trầm nó làm cho tinh thần nặng nề, buồn ngủ, cho nên các màu sắc nâu đen, đen sẫm không nên dùng nhiều.


3. Cây cối trong phòng đọc sách
Trong phòng đọc sách để một số cây xanh và đặt 1 vài chậu cảnh, non bộ sẽ tăng thêm sinh khí, cho nên không ngại đặt một số chậu cảnh để tăng thêm màu xanh cho phòng đọc. Phòng đọc nên thiên về trồng trúc cảnh. Phòng đọc sách nên kiêng trồng những cây có gai, về số chậu khoảng 3, 4 chậu cây cảnh là đẹp.
4. Phương vị của tủ sách.
Bàn học (thư đài) nên đặt ở phương vị cát lợi, còn tủ sách (thư quỹ) thì lại nên đặt ở phương vị không cát lợi để trấn át cát hung.
Đối với người có mệnh đông tứ sự sắp xếp căn phòng đọc sách này, cửa phòng là hướng cát, bàn đọc sách cũng là ở hướng cát, còn tủ sách (thư quỹ) thì ép vào hướng hung, phù hợp với đạo lý là hướng về cát và tránh hung, mọi cái đều rất lý tưởng, có thể tham khảo.

>>>ĐỐI VỚI GÓC HỌC TẬP CỦA TRẺ EM: ngoài việc đặt đúng hướng tốt, bạn cần chú ý một số điều dưới đây để giúp trẻ đạt thành quả học tập cao hơn.
- Không bố trí ghế ngồi học quay lưng về phía cửa ra vào hoặc cửa sổ vì sẽ gây tâm lý bất an ở trẻ. Phía sau ghế ngồi cần có điểm tựa.
- Không bố trí bàn học giữa cửa ra vào và cửa sổ.
- Không đặt tấm gương lớn phía sau ghế ngồi.
- Không lắp kệ sách, giá sách có góc cạnh sắc nhọn gần góc học tập.
- Không để tranh ảnh có hình mũi tên hay các vật thể dài, nhọn hướng vào góc học tập.
- Nếu góc học tập chỉ có thể bố trí ở góc căn phòng thì khắc phục bằng cách treo 1 chiếc chuông gió để hấp thụ sinh khí trời đất, xua đi sự tích tụ của âm khí.
- Tránh xà nhà hay đèn chùm chiếu thẳng xuống bàn học hoặc chỗ trẻ ngồi học.
- Không lắp máy điều hòa thổi hơi thẳng xuống bàn học vì hơi lạnh sẽ khiến trẻ bị đau đầu và không tập trung tinh thần khi học bài.
- Thiết kế bàn học cho trẻ ngồi học thoải mái và có độ cao vừa phải nhằm tránh cho trẻ bị cận thị.
- Nên trưng bày một số vật khí phong thủy trên bàn học để thúc đẩy ý chí và tinh thần học hỏi của trẻ.
- Nhân tố phong thủy ở phía Tây là Kim, bạn nên tránh nhân tố Hỏa (màu sắc, hình dáng Hỏa).
- Nên đặt tấm bản đồ thế giới hay quả địa cầu ở khu vực dễ thấy ở căn phòng. Điều này sẽ kích thích tư duy, giúp trẻ có tầm nhìn rộng mở về cuộc sống và con người.

Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2016

Bài trí cầu thang theo phong thủy

Cầu thang là không gian giao thông theo chiều đứng để tới được các tầng, các buồng trong nhà. Trong khoa học phong thủy, cầu thang được ví như xương sống của ngôi nhà và là nơi khí vận động mạnh, liên tục để đưa dòng khí lan tỏa đi các tầng trong nhà.
Hiện nay, nhiều nhà có cầu thang bố trí hình xoắn ốc chạy từ trên xuống dưới ngay trung tâm nhà. Về mặt phong thủy, đây là kiểu kiến trúc không tốt, khiến gia chủ dễ mắc các bệnh tim mạch, hoặc gặp những trắc trở trong công việc.
Theo phong thủy truyền   ta nên để ý đến cầu thang ở các nhà cao tầng. Đầu cầu thang hướng vào chỗ tốt thì gia chủ gặp thuận lợi, nhưng nếu đầu cầu thang đổ tuột ra ngay đường, ra cửa chính của căn nhà là một đại kỵ. Lý thuyết Phong thủy thường dựa vào hình tượng, biểu tượng, trong trường hợp đầu cầu thang hướng thẳng ra cửa chính, khi mở cửa sẽ như cái miệng đang há ra. Gia chủ sống trong căn nhà đó thường bị hao tán, thất thoát tiền bạc. Ngoài ra, người sống trong căn nhà đó hay có tư tưởng, hướng sống ở ngoài hơn là ở trong nhà. Gặp trường hợp này, tùy vào cách bố trí của ngôi nhà, có thể hóa giải bằng cách dùng gương soi phản chiếu hay dùng chậu cây, ống sáo, bình phong … để hoãn khí cho kiểu cầu thang này.
Cầu thang là nơi khí khởi phát để tiếp dẫn lên hay xuống lầu, cũng chính là nơi luân lưu di động của khí. Vì vậy, nếu cầu thang mở tại những cung tốt thì các tầng trên được tốt. Ngược lại, nếu cầu thang mở tại những cung xấu thì các tầng trên phải chịu xấu.
Khu vực cầu thang phải có đủ ánh sáng, điều này sẽ thu hút nhiều sinh khí dẫn lên các tầng. Nếu cầu thang hẹp, bạn hãy treo một tấm gương lớn để có tác dụng mở rộng cầu thang về mặt hình ảnh trong phong thuỷ.
Bậc cầu thang phải hoàn toàn kín, liền nhau, không có lỗ hổng giữa các bậc. Điều này bảo đảm rằng, tài chính gia đình sẽ không bị thất thoát. Vì vậy, nếu cầu thang trong nhà có lỗ hổng ở giữa các bậc, hãy dùng ván gỗ bít kín chúng lại.Ngoài ra, bạn có thể trải thảm cầu thang, vừa đảm bảo tính thẩm mỹ vừa có lợi trong phong thủy.
- Khi nói đến cầu thang, ta thường quan tâm đến số bậc của cầu thang. Khoa học hiện đại cũng đã chứng minh được rằng sự thay đổi trạng thái của con người cũng như sự ngưng tĩnh vận động ở một nhịp độ, tiết tấu nào đó đều có ảnh hưởng tới sự phát triển cơ thể và hình thành tính cách, có thể tăng cường sức khỏe, tăng trí nhớ nếu sự thay đổi hay ngưng tĩnh phù hợp. Ngược lại, nó cũng có thể làm giảm sức khỏe, tăng stress và đặc biệt là phát sinh một số bệnh tật. Số bậc cầu thang dừng lại ở bao nhiêu bậc để dẫn tới sàn mỗi tầng cũng làm thay đổi trạng thái vận động và sự ngưng tĩnh của con người. Từ đó, làm thay đổi sức khỏe, tâm tính con người.
Có hai cách tính số bậc cầu thang: tính theo số bậc tới mặt sàn mỗi tầng và tính theo tổng số bậc cầu thang của ngôi nhà. Tuy nhiên, trong khoa học phong thủy, số bậc cầu thang tính tới mặt sàn mỗi tầng là căn cứ chính để định tốt, xấu mà không câu nệ tổng số bậc cầu thang trong nhà. Tại nhiều ngôi nhà, cầu thang không được bố trí tại cùng một cung vị, có khi cầu thang lên mỗi tầng lại được bố trí ở một vị trí khác nhau.
Số bậc của mỗi tầng, cũng như của toàn cầu thang, tính từ bậc thứ nhất đến bậc cuối cùng phải rơi vào cung “Sinh” trong vòng tuần hoàn “Sinh”, “Lão”, Bệnh”. “Tử” như các nhà phong thủy vẫn quan tâm.
Thông thường, tổng số bậc cầu thang là bậc lẻ 21, 19, 17, … Thông thường, chiều rộng của cầu thang từ 70 cm đến 120 cm, độ rộng của bậc thang 25 cm – 27 cm, chiều cao của bâc thang từ 15cm đến 19cm. Được như vậy, sẽ đảm bảo không những thuận tiện về sinh hoạt, đồng thời cũng mang lại cho chúng ta cảm giác yên tâm, thoải mái trong ngôi nhà của mình. Số lượng bậc thang được tính từ bậc thứ nhất cho tới điểm kết thúc (chiếu tới, hành lang). Nếu có chiếu nghỉ thì chiếu nghỉ được tính như một bậc thang bình thường.Được như vậy, sẽ đảm bảo không những thuận tiện về sinh hoạt, đồng thời, cũng mang lại cho chúng ta cảm giác yên tâm, thoải mái trong ngôi nhà của mình.
-Không nên bố trí bậc bước chân đầu tiên hướng ra cửa chính, hay đặt thẳng vào bếp hoặc WC. Vì cầu thang, là nơi khí lực tụ lại và vận động, do vậy khi đặt cầu thang ở những vị trí trên sẽ làm tỏa khí lực, gây nhiều tai ương cho gia chủ, tiền bạc sẽ chảy cả ra ngoài. Không gian của cầu thang cần thoáng, đủ ánh sáng không nên đặt vị trí tối, vì như thế sẽ không hút được nhiều năng lượng để lan tỏa lên các phòng trên, căn phòng sẽ trở nên ám khí.Trong phong thủy, cầu thang được ví như khúc ruột trong cơ thể người. Do đó, tránh làm cầu thang đứt đoạn. Trật tự bố trí và vị trí cầu thang của mỗi tầng không được thay đổi, phải tuân thủ các quy tắc này từ tầng 1.

Thứ Năm, 15 tháng 12, 2016

Bài trí phòng tắm theo phong thủy

Nên bố trí phòng tắm ở hướng dữ, tránh đặt đè lên hướng lành (làm ảnh hưởng không tốt đến các sao lành, vận may của đất ở). Ngoài ra, phòng tắm nên đặt chỗ kín, cách xa cửa ra vào chính. Cũng không nên đặt không gian này gần nhà bếp vì bất lợi cho vấn đề sức khỏe.
Bạn nên tách phòng tắm khỏi nhà vệ sinh hoặc bảo đảm khu vực phòng tắm nằm trong phòng ngủ phải có hệ thống thông khí hoạt động tốt.
Màu sắc dùng trang trí phòng tắm sẽ ảnh hưởng đến cảm giác của người dùng. Xu hướng phòng tắm hiện nay đang hướng tới việc lựa chọn những gam màu “organic” gần với thiên nhiên như xanh dương, xanh lá cây… Dù chọn màu gì, bạn vẫn có thể tạo một không gian thư giãn với những bản ballad nhẹ nhàng cùng mùi hương quyến rũ của tinh dầu.

>> Một vài lưu ý :
- Trần: Nếu trần nhà bị ảnh hưởng bởi hơi nước quá nhiều sẽ dễ bong tróc. Do đó, bạn nên lựa chọn vật liệu trần có tính năng chống thấm, chống ẩm, chịu nhiệt tốt. Phần đỉnh của phòng tắm rửa, vệ sinh cần phải chú ý ngăn ngừa ẩm ướt và đảm bảo độ kín đáo.
- Vách: Cần lựa chọn những vật liệu có tính chống thấm, chống mục và chống biến chất cao. Các loại gạch men dễ lau chùi, nhiều màu sắc đẹp mắt, mau khô là vật liệu ốp tường vệ sinh lý tưởng để bạn lựa chọn. Nên chọn gạch ốp tường có màu tương đồng với gạch nền để tạo ra sự thống nhất cho phòng vệ sinh.
- Sàn: Sàn của phòng tắm, vệ sinh không được tích nước, không trơn trượt để đảm bảo an toàn khi sử dụng. Tốt nhất, bạn nên chọn các loại gạch nền có hoa văn nổi.
- Lỗ thoát nước: Mặt sàn của nhà vệ sinh cần có lỗ thoát nước mạnh và có độ nghiêng nhất định để tránh nước ứ đọng gây trơn trượt, ẩm ướt và tạo ra khí xấu cho nhà bạn.
- Bài trí: Bạn nên trang bị đầy đủ những vật dụng cần thiết cho việc vệ sinh, tắm rửa như bồn tắm, bồn rửa mặt, bồn cầu… Ngoài ra, gương trang điểm, giá treo khăn, tay vịn cho bồn tắm cũng rất cần thiết.
Nên chọn bồn tắm dạng tròn hoặc chữ nhật. Ngoài ra, bồn tắm hình ngũ giác hay hình lục giác cũng rất phù hợp. Không nên chọn bồn tắm hình tam giác hay hình dạng bất quy tắc.
- Cửa: Cửa phòng vệ sinh nên làm bằng chất liệu có tính năng ngăn thấm nước, chồng gỉ, mục. Tránh dùng cửa gỗ. Nên có thanh chắn ở cửa để đề phòng nước thoát ra ngoài.
- Thiết bị điện: Nên chọn loại ổ cắm điện có nắp đậy ngăn nước. Không nên lắp đặt để lộ dây điện ra ngoài. Nước đồng nghĩa với sự giàu sang, phú quý cho nên vị trí của phòng tắm luôn được khoa phong thủy coi trọng.


Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2016

Bài trí máy điều hòa theo phong thủy

Các yếu tố trong phong thủy luôn mang đến cho bạn vận may, sức khỏe và giải trừ các phương diện xấu nên thiết nghĩ việc lắp máy điều hòa cũng cần chú trọng và hợp phong thủy để ngôi nhà của chúng ta luôn được ấm áp và cân bằng khí. Máy điều hòa nhiệt độ bán phổ biến trên thị trường hiện nay thường có 2 loại chính: kiểu cửa sổ và kiểu phân ly. Ta đều biết, các đồ điện khí gia dụng khi sử dụng hoặc ít hoặc nhiều đều sản sinh ra sóng điện từ, mà từ trường do sóng điện từ sinh ra sẽ gây nhiễu đối với cơ thể ta.
>>Những điều nên tránh khi lắp đặt điều hòa theo phong thủy
1. Tránh thổi vào Tài vị
Tài vị được coi là nơi lưu giữ của cải trong nhà nếu để gió điều hòa thổi trực tiếp vào tài vị thì sẽ làm tiêu tan tài lộc của gia đình. Có thể nói rằng đây là điều đại kỵ khi lắp đặt điều hòa không khí, nhất là đối với những gia đình làm kinh doanh.
Bên cạnh đó thì bạn cũng nên chú ý đến vị trí giữa cửa chính và nơi định đặt điều hòa. Vì cửa chính là nơi luồng khí của những vận khí tốt đi vào, nếu đặt điều hòa đối diện với cửa chính thì ngôi nhà sẽ không tụ được tài khí, khiến tình cảm giữa mọi người trong nhà trở nên lạnh nhạt.
Nếu bạn đã lắp đặt điều hòa đối diện cửa chính, bạn có thể hóa giải bằng cách đặt một bình phong bằng kính hoặc treo rèm hạt châu tại huyền quan.
2. Tránh phạm "Bạch Hổ sát"
Cũng theo quan niệm về phong thủy, nếu tính theo hướng từ trong ra ngoài hướng Bạch hổ là bên phải. Khi lắp đặt điều hòa trong phòng không may phạm Bạch Hổ thì gió từ điều hòa được ví như hơi thở của hổ. Chính điều này sẽ khiến gia đình bạn không êm ấm, vợ chồng thường xuyên xích mích, cãi cọ.
Trong trường hợp bạn đã lỡ đặt điều hòa theo hướng này thì bạn nên lắp một chiếc quạt điện lên phía tường đối diện với điều hòa để đổi hướng gió. Bên cạnh đó, khi bật điều hòa cũng nên mở hé cánh cửa sổ để căn phòng có thêm không khí tự nhiên nhằm hóa giải sát khí mà "Bạch Hổ" tạo ra.
3. Tuyệt đối tránh đặt điều hòa trên sofa
Khi phạm phải điều này thì chủ nhà sẽ chịu sự ảnh hưởng không tốt về công việc, sự nghiệp..bởi vì Sofa là vị trí mà chủ nhà hay ngồi, nếu điều hòa thổi trực tiếp từ trên xuống ghế sofa sẽ làm cho chủ nhà cảm thấy khó chịu, như vậy sẽ khiến gia đình như mất chỗ dựa vững chắc. Đổi hướng gió thổi của điều hòa hoặc chuyển vị trí ghế chủ sang một vị trí hợp lý hơn chính là cách hóa giải trong trường hợp này.
4.Tránh lắp điều hòa nơi đầu giường
Nếu như kê giường ngủ phía dưới máy điều hòa nhiệt độ, khí âm hoặc khí lạnh mà nói thổi trực tiếp xuống sẽ phá vỡ sự cân bằng vốn có của “khí trường” bao bọc cơ thể, làm cho chức năng trao đổi chất của cơ thể bị ảnh hưởng, khiến khả năng miễn dịch của cơ thể bị giảm xuống, thường dễ dẫn tới chứng cảm cúm hoặc viêm khớp.
5. Chú ý khi đặt điều hòa trong Phòng bếp :
Phòng bếp là chỗ nấu ăn cho cả nhà, nếu gió điều hòa thổi thẳng vào bếp thì ảnh hưởng đến lửa không đủ năng lượng để nấu. Bên cạnh đó, điều hòa để ở vị trí như vậy sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người ăn.
Vì thế, khi lắp điều hòa trong gian phòng bếp, gia đình bạn cố gắng lắp ở vị trí "an toàn" sao cho gió của điều hòa không thổi thẳng vào bếp.
6. Chú ý khi đặt điều hòa trong Phòng ăn
Máy điều hòa sử dụng một thời gian sau sẽ khó tránh được có bụi. Nếu lắp điều hòa có gió thổi thẳng vào bàn ăn sẽ khiến đồ ăn bị bụi bám vào và nhanh nguôi. Do vậy, điều hòa nên lắp gần bàn ăn nhưng nên tránh chiều gió thổi thẳng vào bàn.
7. Chú ý khi đặt điều hòa trong Phòng đọc sách
Lắp điều hòa trong phòng đọc sách sẽ giúp không khí trong phòng luôn mát mẻ, dễ chịu, rất thuận lợi cho việc tập trung suy nghĩ, học tập. Tuy nhiên, bạn cũng không nên đặt điều hòa chiếu thẳng vào đầu dễ làm người trong phòng mất tập trung, chóng mặt...
8. Chú ý khi công suất máy điều hòa:
Ngoài ra, nếu gia đình còn có nhiều người lớn tuổi, bởi khả năng tự điều tiết và khả năng thích ứng với môi trường của người già và trẻ nhỏ tương đối yếu, nhằm tránh đối tượng này mắc bệnh máy điều hòa nhiệt độ, gây hậu quả không hay, nên lắp loại máy điều hòa công suất vừa phải. Vào mùa hè nóng nực cũng không nên dùng máy điều hòa công suất lớn, và chỉ nên mở ở nhiệt độ thích hợp, đủ mát là được.
>>Ngoài các yếu tố trên, vị trí lắp điều hòa cần được kiểm tra trước khi lắp để đảm bảo máy có thể hoạt động tốt và có hiệu suất cao nhất.

Thứ Tư, 7 tháng 12, 2016

Bài trí máy giặt theo phong thủy

Theo các chuyên gia về phong thủy cho biết thì: Những đồ dùng trong gia đình như máy điều hòa, tủ lạnh, máy giặt...thuộc hành kim, chính vì vậy khi hoạt động sẽ tác động không nhỏ đến phong thủy trong căn phòng có lắp đặt chúng. Hiện nay hầu hết mọi gia đình thấy tiện ở đâu là đặt máy giặt tại đó như: máy giặt được đặt ở những góc khuất trong nhà như dưới gầm cầu thang, ở góc bếp hay một góc nhỏ trong nhà tắm… tuy nhiên, theo phong thuỷ, nhiều vị trí trong nhà ở không thích hợp đặt máy giặt, vì máy giặt hoạt động nhờ điện năng, có dòng điện chạy qua. Dòng điện chính là động lực. Ngoài ra, máy giặt còn có từ trường, tĩnh điện, âm thanh… nảy sinh trong quá trình hoạt động. Tất cả đều ảnh hưởng đến phong thuỷ. Nếu đặt máy giặt tại phương vị hung sẽ kích thích hung tính, hình thành nên sát khí từ đó có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ và vận khí của gia chủ.
Dựa vào thuyết phong thủy, ta rút ra được một số lưu ý sau cho việc đặt máy giặt trong gia đình:
*Trước hết, máy giặt không nên đặt trong nhà bếp, nhất là gần bếp nấu, vì yếu tố Thuỷ (nước) trong máy giặt sẽ tương xung với yếu tố Hoả (lửa) của bếp. Mà bếp đại diện cho tài lộc, nếu bếp đặt sai vị trí hoặc bị các yếu tố bất lợi tác động sẽ ảnh hưởng đến tài vận và sức khoẻ của nữ chủ nhân. Tuy nhiên, nhà bếp là nơi Hoả khí vượng, có yếu tố Thuỷ trong bếp sẽ giúp ngũ hành nơi đây được cân bằng, hài hoà, không đến nỗi quá lo ngại khi đặt máy giặt tại đây. Vấn đề đáng lưu tâm là nhà bếp là nơi ở của Táo quân, nếu đặt máy giặt trong nhà bếp, những quần áo bẩn xâm phạm Táo quân có thể ảnh hưởng đến vận khí của cả gia đình. Ngoài ra, chất dầu mỡ, muối trong nhà bếp sẽ khiến máy giặt nhanh hỏng hơn.

*Thứ hai, máy giặt không nên để trong nhà tắm/nhà vệ sinh, vì môi trường nơi đây ẩm ướt có thể làm sai lệch hoạt động và làm giảm tuổi thọ của máy. Đó là khuyến cáo của các hãng sản xuất máy giặt. Vì thế, có ý kiến cho rằng, nếu môi trường nơi đây được giữ gìn sạch sẽ, khô ráo, máy giặt không bị ảnh hưởng bởi yếu tố nước thì có thể đặt máy giặt. Nhưng xét theo phong thuỷ, yếu tố Thuỷ của nhà tắm/nhà vệ sinh vẫn ít nhiều có sự tương xung với yếu tố Hoả của máy giặt khi hoạt động. Đặc biệt, nhà tắm/nhà vệ sinh có khí trường xấu, chuyển động của máy giặt sẽ khuếch tán khí xấu ra các phòng xung quanh. Trường hợp đã đặt máy giặt tại đây và khó di chuyển sang vị trí khác thì nên đóng cửa phòng lại, ngay cả khi không có máy giặt thì cũng nên thường xuyên đóng kín. Để tránh ẩm ướt và không khí bị tù đọng, cần bật quạt thông gió hoặc mở cửa sổ.

*Thứ ba, hoạt động của máy giặt có thể ảnh hưởng đến dạ dày và tim của con người. Theo đó, máy giặt, nhất là loại có chức năng vắt khô quần áo, là đồ vật mang tính Hoả, Thổ, mà tim thuộc Hoả, dạ dày thuộc Thổ. Nếu ai đó bị đau dạ dày thì nên kiểm tra lại vị trí của máy giặt. Cụ thể, vị trí đặt máy giặt là hướng Tây Bắc sẽ ảnh hưởng đến dạ dày của nam chủ nhân; hướng Tây Nam ảnh hưởng đến nữ chủ nhân; hướng Đông ảnh hưởng đến con trai trưởng; hướng Đông Nam ảnh hưởng đến con gái trưởng; hướng Bắc ảnh hưởng đến con trai thứ; hướng Nam ảnh hưởng đến con gái thứ; hướng Đông Bắc ảnh hưởng đến con trai út; hướng Tây ảnh hưởng đến con gái út.

Trong các trường hợp này, nếu bị đau dạ dày (ví dụ, người chồng bị đau dạ dày, mà trong nhà có máy giặt đặt tại hướng Tây Bắc), thì khách hàng thử không dùng máy giặt một thời gian, mà chuyển sang giặt bằng tay, thậm chí bỏ không dùng máy giặt. Nói cách khác, khi thành viên đó có mặt ở nhà thì không nên vận hành máy giặt.
*Có thể đặt máy giặt ở sân phơi sẽ giúp bạn có thể dễ dàng phơi quần áo ngay sau khi giặt giũ mà không tốn nhiều công sức vận chuyển. Đồng thời, khi đặt máy giặt ở những nơi đón nhiều ánh sáng như sân phơi sẽ giúp nơi đây luôn khô ráo, dễ dàng đi lại và giúp mọi người luôn cảm thấy thoải mái khi bước vào không gian này. Tuy nhiên, nếu đặt máy giặt ở những nơi như vậy nên thiết kế mái che để đảm bảo an toàn và độ bền cho máy giặt.

Thứ Hai, 5 tháng 12, 2016

Bài trí nhà vệ sinh theo phong thủy

Theo quan điểm xưa, nhà vệ sinh tượng trưng cho khí và nước xấu (rất khó điều khiển) nên cần được đưa ra xa khu vực sinh hoạt. Vì vậy, để việc bố trí nhà vệ sinh dưới dạng tích hợp như ngày nay không ảnh hưởng đến sức khỏe, người sử dụng phải biết chọn vị trí thích hợp. Một tấm gương lớn sẽ rất thích hợp ở khu vực này. Vì bạn có thể nhìn thấy rõ cả cơ thể của mình. Cũng nên chú ý đế phần ánh sáng. Một khu vực thường xuyên ẩm ướt cộng với ánh sáng yếu sẽ không thú vị chút nào.
> Một vài lưu ý cho nhà vệ sinh:
1. Tránh đặt giữa nhà
Trong phong thủy, người ta thường bố trí nhà vệ sinh ở những cung xấu trong nhà, nhìn ra hướng xấu, tận dụng xú khí của nó để hóa giải điều xui, vận hạn. Tùy theo mạng vận, tuổi tác của gia chủ sẽ có hướng xấu và vị trí xấu tương ứng.
Theo quy luật kiến trúc nội thất và phong thủy hiện đại, chỉ cần bố trí hệ thống ánh sáng và xử lý nước thải tốt thì đặt nhà vệ sinh ở giữa nhà trong một số trường hợp còn giúp cho luồng khí trong nhà luân chuyển điều hòa, có lợi cho gia chủ, lại tạo điểm nhấn cho kiến trúc của căn nhà. Các khách sạn hay biệt thự thường chuộng kiểu bố trí này.
2. Không đặt gần bếp
Điều kỵ nhất của phong thủy nhà vệ sinh là bố trí nó đối diện với bếp hay đặt cạnh bên bếp. Các xú khí (khí ẩm, hôi hám) từ nhà vệ sinh sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới thức ăn, không tốt cho sức khỏe cũng như mùi đồ ăn dễ ám lại trong nhà vệ sinh, gây sự khó chịu.
Theo phong thủy, trường hợp này ứng với thế khắc là Thủy (nhà vệ sinh) khắc Hỏa (bếp), dễ gây hao tài tốn của, bệnh tật cho gia chủ. Nếu nhà có thế như vậy, hãy sử dụng quạt thông gió, quạt treo tường để thay đổi hướng gió giữa hai khu vực. Đặt cây xanh (hoặc cây giả có những hạt hút ẩm) vừa tăng Mộc tính, trung hòa giữa Hỏa và Thủy, mà trên phương diện khoa học, còn khử được mùi, lọc khí CO2 thải ra trong quá trình đun nấu.
3. Không hướng ra cửa chính
Quan niệm phong thủy kỵ nhà vệ sinh hướng ra cửa chính, vì khi đó sinh khí tốt và tài lộc của gia chủ sẽ bị cản lại. Có thể hạn chế bằng cách treo một tấm gương soi ở ngay sau cửa nhà vệ sinh, hoặc treo gương phản chiếu/đèn chiếu cục bộ trước cửa, đồng thời thiết kế cửa chính mở hướng ra ngoài (để hạn chế luồng khí vào nhà vệ sinh khi đóng mở). Đặt đá thạch anh, hòn non bộ, bình phong, hoặc tủ lớn để ngăn cách hai khu vực.
Tuy nhiên, nếu ngôi nhà đang ở không hợp hướng với gia chủ, việc nhà vệ sinh hướng ra cửa chính lại giúp cải thiện vận khí. Chỉ cần đặt bóng đèn có dây tóc màu vàng từ trần chiếu xuống, hoặc vuông góc với hướng cửa chính để hóa giải, cải tạo khí xấu, dùng thêm sản phẩm khử mùi là ổn.
4. Kiêng kỵ phòng ngủ
Nhà vệ sinh cũng kỵ đặt kế bên phòng ngủ, hoặc ở phía trên phòng ngủ (trường hợp phòng ngủ ở tầng dưới). Những tiếng nước chảy âm ỉ trong tường, tuy nhỏ nhưng vào ban đêm yên tĩnh có thể nghe thấy rõ, gây cảm giác khó chịu. Chưa kể đến hàn khí từ luồng nước dễ khiến người ngủ trong phòng mắc bệnh. Thêm nữa, từ trường bị nhiễu loạn khiến giấc ngủ chập chờn, khi thức dậy hay cảm thấy mệt mỏi.
Trong trường hợp này, nên sử dụng 4 bóng đèn vàng, xếp thành hình vuông, có thuộc tính Thổ để khắc phục Thủy, trả lại sự bình ổn cho nhà. Sau đó, hãy đặt đá ngũ sắc hay thạch anh vàng, gỗ hóa thạch trong phòng ngủ để điều tiết từ trường xấu, cải thiện sức khỏe, giúp cải tạo khiếm khuyết, trấn được phong thủy.
5. Tránh xa bàn thờ
Về mặt tâm linh, nhà vệ sinh cũng không được đặt gần khu vực thờ tự. Đặc biệt rất kỵ việc kê trang thờ bằng vách tường của nhà vệ sinh. Thờ cúng tế tự là việc linh thiêng, tinh khiết, phải được bài trí ở nơi cách biệt và thanh cao trong nhà. Nếu đặt gần nơi nhiều xú uế, sẽ ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của người được thờ, không tốt về mặt tôn giáo lẫn tâm lý cho gia chủ.

Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2016

Bài trí tủ lạnh theo phong thủy

Trong phong thủy, căn bếp là không gian đại diện cho dinh dưỡng và sự thịnh vượng. Hãy lưu ý những đặc điểm dưới đây để chiếc tủ lạnh không đơn thuần là vật gia dụng mà còn là nơi thu hút vượng khí và bổ trợ cho cả gia đình. Nếu được hỏi tủ lạnh có chức năng gì, câu trả lời sẽ là rất đơn giản: lưu trữ thức ăn. Tuy nhiên, một tác dụng nữa của tủ lạnh chắc chắn sẽ khiến nhiều người ngạc nhiên, đó là tác dụng phong thủy. Hãy chú ý những điều sau trước khi lựa chọn nơi đặt tủ lạnh cho gia đình mình.
>Vị trí để tủ lạnh
Theo phong thủy học, vị trí bài trí tủ lạnh tốt nhất trong ngôi nhà là phòng bếp. Tủ lạnh vốn thuộc kim, phòng bếp lại là nơi hỏa vượng, mà hỏa khắc kim. Vì vậy, để tủ lạnh trong bếp sẽ có tác dụng làm cân bằng tính hỏa.
Nhưng cần chú ý, tủ lạnh không kê đối diện hoặc gần bếp vì khí nóng từ bếp và hơi lạnh từ tủ lạnh xung khắc với nhau sẽ gây ảnh hưởng sức khỏe của gia chủ. Ngoài ra, nó còn có thể khiến những người trong gia đình không hòa thuận.
Người thuộc mệnh thủy nếu sự nghiệp thiếu thuận lợi, nên kê tủ lạnh ở nơi làm việc. Trong đó có thể để nước, bia, nước đá để sự nghiệp được thăng tiến và tài vận hanh thông. Ngoài ra người mệnh thủy cũng có thể kê thêm một chiếc tủ lạnh khác trong phòng khách để hỗ trợ cho mệnh của mình.
Những người mệnh mộc không nên kê tủ lạnh ở gần. Những người mệnh này nên kê tủ lạnh ở chỗ khuất của ngôi nhà. Trong các quán bar, người ta thường kê tủ lạnh trong tủ gỗ. Đối với những người không hợp với kim, đây là một cách tuyệt vời để hóa giải ảnh hưởng xấu từ tủ lạnh.
Không đặt tủ lạnh đối diện với cửa bởi điều này có thể khiến tài lộc của gia chủ không ổn định, thậm chí có thể dẫn đến nguy cơ thất bát.
>Có nhiều đồ nhưng vẫn gọn gàng
Tủ lạnh đại diện cho năng lượng thủy và năng lượng kim. Hai nguồn năng lượng này liên kết với năng lượng thổ thông qua nguồn thực phẩm phong phú chứa trong tủ lạnh. Một tủ lạnh đầy dưỡng chất và nguồn thực phẩm dồi dào là biểu hiện của sự thịnh vượng, no đủ. Bởi vậy, tủ lạnh cần được sắp xếp theo một trật tự nhất định và gọn gàng để mang đến sức khỏe và năng lượng tích cực cho cả gia đình.
>Giữ thức ăn tươi ngon
Bạn hãy bỏ đi những thức ăn đã hỏng để tránh gây trì trệ vượng khí và mang về những nguồn khí không tốt cho căn bếp và gia đình. Tuyệt đối không để thức ăn sống và chín trong cùng một ngăn. Luôn đựng đồ ăn trong hộp hoặc túi bóng kín. Nên tránh việc để thức ăn hở trong tủ lạnh bởi điều này không những khiến tủ lạnh có mùi mà còn gây ảnh hưởng đến chất lượng của các thực phẩm khác.
>Giữ tủ sạch sẽ, không có mùi
Hạn chế gắn các tờ giấy nhớ, các bức ảnh lên cửa ngoài tủ lạnh bằng nam châm. Tốt nhất là bạn nên giữ cửa tủ bên ngoài sạch sẽ, trơn láng. Bạn có thể dùng vài lát chanh tươi, bã cà phê đen, vỏ cam hoặc vỏ bưởi để hút mùi và giữ cho tủ lạnh luôn thơm mát. Bạn có thể đặt trên nóc tủ lạnh một chậu cảnh nhỏ xinh sẽ khiến cho tủ lạnh có sinh khí hơn.
Có người để tiết kiệm không gian, đã đặt lò vi sóng, lò nướng hay máy xay sinh tố lên nóc tủ lạnh. Chưa nói về góc độ phong thủy, thì về khoa học, sóng điện từ do các thiết bị điện này phát ra đã ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe người sử dụng.
Ngoài ra cũng không để đồ vật trên tủ lạnh. Nhiều người có thói quen tiện tay để đồ vật lên tủ lạnh, lâu ngày nóc tủ lạnh sẽ trở thành nơi chứa đồ. Việc này tưởng là vô thưởng vô phạt, nhưng thực ra nó lại ảnh hưởng đến sự tụ tài.Vì vậy tủ lạnh tốt nhất là nên lau chùi sạch sẽ, cả bên trong lẫn bên ngoài.
Tủ lạnh có liên hệ mật thiết với tài vận của gia chủ, do vậy chủ nhân cần thường xuyên lau chùi sạch sẽ tủ lạnh. Như vậy mới khiến tài lộc sinh sôi.
>Cách lựa chọn màu tủ lạnh
Tủ lạnh là đồ dùng không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày, nhưng đối với một số người, nó lại kị về mệnh. Để bài trí tủ lạnh hợp phong thủy, màu tủ lạnh hợp với mệnh của gia chủ thì hãy: Chọn màu sắc tủ lạnh phù hợp một mặt có thể hóa giải tác dụng không mong muốn với người xung khắc kim, đồng thời lại có tác dụng hỗ trợ với người hợp mệnh kim.
Theo thuyết ngũ hành, kim tương ứng với màu trắng, mộc tương ứng với màu xanh lá cây, thủy tương ứng với màu đen và xanh lam, hỏa tương ứng với màu đỏ và tím, thổ tương ứng với màu vàng và nâu. Người kị với kim có thể lựa chọn tủ lạnh có màu đỏ, tím hoặc xanh lá cây để hạn chế tính kim của tủ lạnh. Người hợp với kim nên chọn tủ lạnh màu trắng, vàng, nâu để tăng thêm vận may.
>Tủ lạnh không được để trống
Tủ lạnh liên quan thức ăn của người sử dụng. Thức ăn dồi dào ngụ ý chủ nhân không phải lo lắng về cơm ăn áo mặc. Ngược lại, tủ lạnh bị bỏ trống có nghĩa là tình hình kinh tế không khả quan, bởi vậy tủ lạnh nên để đầy đủ thức ăn.
>Nên chọn nơi tích tụ nhiều khí lạnh. Theo đó, bạn phải chọn đúng hướng để đặt tủ lạnh sao cho đáp ứng được hai yêu cầu: Thứ nhất là thuận tiện khi sử dụng. Thứ hai là hợp với hướng điều hòa phong thủy.