Thứ Sáu, 17 tháng 3, 2017

Tìm hiểu về lễ cúng mụ ( đầy tháng) cho trẻ

Cách tính mốc đầy tháng cho con trẻ
Theo cách tính truyền thống, ngày đầy tháng của trẻ sơ sinh được căn cứ vào lịch âm và tùy thuộc vào giới tính của đứa bé. Theo đó, nếu là bé gái sẽ lùi lại 2 ngày và nếu là bé trai sẽ lùi lại 1 ngày như cách ông bà xưa vẫn nói “gái lùi hai, trai lùi một”. Chẳng hạn, nếu bé sinh vào ngày 28/3 âm thì ngày cúng đầy tháng sẽ là ngày 26/4 âm nếu đó là bé gái. Nếu là bé trai thì ngày cúng đầy tháng sẽ là ngày 27/4 âm. Thông thường, lễ này được thực hiện vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối. 
Ngày nay, các bố mẹ thường căn cứ ngày sinh của con dựa trên lịch dương và ngày cúng đầy tháng là ngày trùng ngày sinh vào đúng tháng sau. 
Các lễ vật cúng đầy tháng 
Theo tín ngưỡng dân gian, đứa trẻ sinh ra sẽ được trông nom, săn sóc bởi 12 bà Mụ. Do đó, nhất thiết trong mâm cúng phải đủ 12 chén chè nhỏ và 3 tô chè lớn. Ngoài ra, còn có các lễ vật khác để cúng Đức ông và ba Đức thầy bao gồm: 1 đĩa xôi lớn, 12 đĩa xôi nhỏ; 3 chén cháo nhỏ và 1 tô cháo lớn; 13 cái bánh tráng nướng; 1 con gà hoặc vịt luộc; 1 mâm hoa quả, 1 mâm cơm (cá, thịt luộc, canh, đồ xào và cơm). Cùng với các lễ vật này còn có thêm một bình hoa, trà, rượu, hương, đèn, nước, gạo, muối, muỗng và không thể thiếu một đôi đũa hoa (đũa được vót ngược đầu và có bông trên đầu đũa) vì theo quan niệm dân gian, bà chúa chỉ thích dùng đũa này. 
Bên cạnh đó, bạn còn phải chuẩn bị sẵn những loại gai khác nhau, số lượng tùy vào giới tính của đứa trẻ (con trai 7, con gái 9) và nấu chúng trong một chiếc nồi sạch chung với chiếc đinh hoặc một mảnh thép đã được nướng đỏ.

Cách sắp đặt mâm cúng
Nếu theo quy định chính xác, bạn cần chia thành 2 mâm: một trên một dưới sao cho mâm trên không cách mâm dưới quá 10 phân. Cách đặt mâm cúng luôn tuân theo nguyên tắc "Đông bình Tây quả" tức phía Đông là vị trí đặt bình hoa và phía Tây là vị trí đặt lễ vật. Lưu ý, các mâm này phải được bài trí thật cân đối và đầy đủ các lễ vật đã nêu. 

Các nghi lễ cúng đầy tháng
Người xưa tin rằng, mỗi một đứa trẻ khỏe mạnh ra đời là công lao rất lớn của bà Mụ, người được cho là có công nặn và giúp mẹ tròn con vuông. Trên hết, đây còn là nghi thức để ra mắt một thành viên mới trong gia đình với họ hàng, bà con trong dòng tộc.Sau khi sắp hết lễ vật lên bàn, một người lớn trong họ sẽ thực hiện nghi lễ thắp hương và khấn:

“Hôm nay, ngày (mùng)… tháng… (âl), ngày cháu (nội hay cháu ngoại… ) họ, tên… tròn 1 tháng tuổi, gia đình chúng tôi bày mâm lễ vật này, cung thỉnh thập nhị mụ bà và tam đức ông trước về chứng minh nhận lễ, sau tiếp tục phù trợ cho cháu (tên… ) mạnh tay, mạnh chân, mau lớn, hiền, ngoan, phù trợ cho gia đình an vui, hạnh phúc”.

Sau khi khấn, bố hoặc mẹ chắp tay của bé lại rồi vái trước bàn lễ 3 vái, sau 3 tuần hương thì đến tạ lễ. Tiếp đó, gia đình mang vàng mã, váy hoa đi hóa. Trong lúc hóa vàng thì vẩy rượu cúng vào. Các món đồ chơi sẽ được giữ lại cho em bé để lấy khước.Sau tất cả các nghi thức này là lời cầu chúc và lì xì của những người họ hàng trong dòng tộc cũng như các vị khách tham dự tiệc mừng. Lễ đầy tháng hay cúng mụ là một dấu mốc quan trọng, ghi nhận sự phát triển của trẻ và cũng như để giới thiệu em bé với họ hàng và bạn bè. Đồng thời, đây cũng là ngày kết thúc tháng ở cữ của người mẹ. Nên trong ngày này, người mẹ cũng cần được làm lễ. Người nhà cần chuẩn bị một nồi nước sôi để giữa nhà, bỏ một cây đinh đã nung đỏ bỏ vào cho khói bay ra. Người mẹ bế con bước qua bước lại nồi nước. Nếu là con trai thì bước 7 lần, còn con gái thì bước 9 lần. Sau đó, 2 mẹ con đi quanh nhà, tất cả các phòng. Sau khi làm lễ đầy tháng, mẹ và bé có thể thoải mái ra ngoài mà không cần phải kiêng cữ nữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét