Thứ Sáu, 5 tháng 3, 2021

Đọc thêm về cúng sao giải hạn có giải được hạn?

 

Theo Viện Nghiên cứu tôn giáo, nhu cầu dâng sao giải hạn của người dân đang theo xu thế năm sau cao hơn năm trước. Trong một khảo sát của Viện, hầu hết người được hỏi đều trả lời rằng có nhu cầu và từng làm dâng sao, giải hạn. Dâng lễ cúng sao giải hạn cũng như nhiều nghi lễ tín ngưỡng khác đều là vấn đề liên quan đến tâm lý của người dân.

Người ta quan niệm, mỗi một năm con người sẽ ứng với một sao chủ nào đó. Cuộc đời của con người phải trải qua các sao như: Thái Dương, Thái Âm, Mộc Đức, Kế Đô, La Hầu, Thái Bạch, Thổ Tú, Vân Hán, Thủy Diệu.

Trong đó, các sao Thái Dương, Thái Âm là những sao tốt. Còn La Hầu, Kế Đô, Thái Bạch là những sao xấu và cho rằng các sao hạn này sẽ nguy hại đến sức khỏe, tiền tài, vận mệnh của con người.  

Thời gian dâng sao giải hạn được diễn ra từ ngày mùng 10-15 tháng Giêng âm lịch. Tuy nhiên, người ta thường chọn Rằm tháng Giêng để cúng sao giải hạn, bởi theo họ đó là ngày “linh nghiệm” nhất.

 Trước kia, người dân thường  dâng sao giải hạn  tại nhà, hoặc dâng lễ ra đình, miếu. Nhưng hiện nay, người ta thường tìm đến các ngôi chùa. Vì số lượng người dâng sao giải hạn đông nên nhà chùa phải ghi thành một danh sách để cúng cho một tập thể được ghi rõ họ tên, năm sinh, hạn sao gì và có bài khấn phù hợp ứng với sao chiếu mệnh ấy.  

Với quan niệm, dâng sao giải hạn sẽ hóa giải được sao chiếu mệnh xấu, hưởng những điều tốt đẹp, nhiều người đã chọn việc làm này như một điều tất yếu vào dịp đầu năm. Tuy nhiên, gần đây, nó đã bị thương mại hóa.

Lợi dụng tâm lý cả tin của con người, nhiều nhà chùa mở "dịch vụ" cúng sao, với việc niêm yết bảng giá. Có gia đình bỏ ra tiền triệu để cúng sao, với niềm tin sẽ giải được hạn.

Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trong giáo lý nhà Phật không có việc cúng sao giải hạn, nhà Phật không khuyến khích việc này.

Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.Hồ Chí Minh khẳng định, trong giáo lý nhà Phật không có sao xấu, sao tốt cũng như ngày tháng đẹp, xấu trong năm. Phật giáo luôn lên án các hành vi mê tín dị đoan trong đó có cúng sao giải hạn, xem bói, xem ngày tốt xấu…

Trong cuốn “Bước đầu học Phật”, Hòa thượng Thích Thanh Từ đã khẳng định: “Lệ cúng sao hạn, thật là lạc hậu lỗi thời, sao là những hành tinh cách xa chúng ta bao nhiêu ngàn cây số. Nó là cái gì mà chúng ta phải cúng!”.

Nhiều Thượng tọa, Hòa thượng đã lên tiếng rằng sao tốt, sao xấu là xuất phát từ tâm con người. Vấn đề cốt lõi là người dân phải biết tu tâm. Vì vậy, các nhà quản lý, khoa học và giới nghiên cứu cần phải đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tự thấy rằng không thể chỉ mê muội tin theo dâng cúng để hóa giải mọi điều xui xẻo mà quên đi sự cần thiết là phải tu tâm dưỡng tính.

TS Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội và phát triển đã chỉ sự bất cập trong việc dâng sao giải hạn tại chùa: “Việc nhà chùa làm việc dâng sao giải hạn là không đúng tinh thần thuần khiết của Phật giáo, không đúng tinh thần nhà Phật. Trong thời đại hệ thống thông tin, khoa học phát triển nhưng có thể khủng hoảng xã hội và đạo đức xã hội nên người ta quay ra bám víu lòng tin chẳng có căn cứ nào cả”.

GS.TS, Trần Lâm Biền cho rằng: “Có dâng đến ngàn vạn lần thì các ngôi sao vẫn vận động như thế, không thay đổi. Vì thế, không thể ảnh hưởng đến số phận của con người. Thay vì dâng sao giải hạn thì không gì tốt hơn bằng việc hãy ứng xử tốt với tất cả mọi người, có thiện tâm, xây dựng cho mình nhận thức, đạo đức đúng truyền thống thì tinh thần sẽ thanh thản”.

Con người ai cũng có những nhu cầu hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn. Cầu mong có sức khỏe, hạnh phúc, bình an, làm ăn may mắn đủ đầy…, đó đều là những nhu cầu, mong ước chính đáng của con người. Đó cũng là một phần lý do mà nhiều người dân đã tìm đến các lễ hội, các di tích đình, đền, chùa dịp đầu năm để cầu mong.

 “Nếu có sao xấu và cúng giải được thì với tình trạng nhà nhà cúng sao, người người dâng sao như hiện nay thì chắc trong cuộc sống sẽ không ai gặp phải điều không may mắn cả. Việc thực hành một số nghi lễ văn hóa, trong đó khá nặng nề là hoạt động cúng sao giải hạn đang trở nên lệch lạc. Tuy nhiên, hoạt động này dường như đã trở thành một tập tục đã ăn sâu vào nếp nghĩ người dân mà các nhà quản lý văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng cần sớm có giải pháp chấn chỉnh…”, - Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy khẳng định.

Cho nên, muốn có chuyển biến từ gốc rễ thì không gì khác là phải tăng cường các giải pháp tuyên truyền. Chỉ khi người dân hiểu ý nghĩa đích thực của tín ngưỡng thì họ mới dần dần từ bỏ. Không thể áp đặt mệnh lệnh hành chính cứng nhắc cũng như không thể mong muốn có chuyển biến ngay trong một thời gian ngắn được.

Theo Thượng Tọa Thích Hạnh Bình - Giám đốc Trung tâm Phật học Hán truyền - cũng cho rằng: “Mỗi một việc rủi ro xảy ra trong cuộc sống đều có lý do. Tất cả đều nằm trong vòng quay của luật nhân quả.

Bởi vậy, mọi người chỉ cần sống có tấm lòng hướng thiện, làm nhiều việc có phúc đức để đời thì sẽ gặp nhiều may mắn và biến họa thành phúc. Nếu sống không hướng thiện, không tử tế thì có dâng sao giải hạn hoành tráng đến đâu cũng chưa chắc gặp được điều lành”.

Dâng sao  giải hạn đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân và là một thói quen không dễ từ bỏ. Việc làm này khiến cho người ta cảm thấy an tâm, thanh thản hơn nhưng không có nghĩa con người cho phép bản thân chủ quan, lơ là với mọi việc diễn ra trong cuộc sống.

"Không có một việc làm cúng bái nào có thể hóa giải được những cái xấu, cái ngẫu nhiên xảy ra trong cuộc đời của mỗi người. Chỉ có con người sống tốt, có đạo đức, nhân hậu mới đem lại nhiều điều tốt đẹp cho cuộc sống" - Thượng tọa Thích Hạnh Bình cho biết.

>>> Như vậy, theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam là trong giáo lý nhà Phật không có sao tốt hay sao xấu và nhà Phật không khuyến khích việc lễ cúng dâng sao giải hạn.

Để đạt được những mong ước, nhu cầu đúng đắn, chính đáng của mỗi con người, từ sức khỏe, đến cuộc sống ấm no, bình an và hạnh phúc thì bản thân mỗi chúng ta ở những điều kiện, hoàn cảnh và vị trí của mình đều luôn cần phải nỗ lực phấn đấu rèn luyện trong học tập, làm việc; trong đời sống thường ngày luôn cần tu tâm dưỡng tính, tích đức, hành thiện, biết chia sẻ và yêu thương… Qua đó mới tạo được duyên lành, làm điều lành tránh điều dữ, để có những đóng góp xứng đáng cho cuộc đời.

Chỉ khi những điều đó được thực hiện thì mỗi người mới mong nghiệp xấu được tiêu trừ, mới tránh được vận hạn và từ đó mới có được cuộc sống an vui, hạnh phúc. Mọi người không thể trông chờ vào việc dâng sao giải hạn để mong chờ có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét